THỜI KỲ NHẠY CẢM NGÔN NGỮ NHẤT CUỘC ĐỜI [Đồng hành cùng con giai đoạn 0-3 tuổi]

Khi con được 2 tuổi, ngôn ngữ phát triển một cách đột phá, nhưng chỉ đến 2 tuổi rưỡi là hiện tượng đột phá này tự nhiên biến mất. Do đó, các ba mẹ nên biết trước điều này, đây là thời kì nhạy cảm với ngôn ngữ nhất trong suốt cả cuộc đời con.

Đến tuổi này ngôn ngữ em bé không còn phù hợp với trẻ nữa. Ngôn ngữ em bé sẽ trở thành nguyên nhân gây ra khuyết tật trong ngôn từ của trẻ (ví dụ: nói ngọng, bật âm sai). Vì vậy, phải nói với trẻ bằng giọng chuẩn, như nói với người lớn. Không nên nói giọng nựng trẻ con như “chương chế” = “Thương thế” hoặc “yêu nắm/ yêu nhắm” = “Yêu lắm”).

Ở giai đoạn này, phụ huynh hãy giao tiếp ngôn ngữ với con thật nhiều.
  • Khi trẻ đi tắm, dạy trẻ càng nhiều càng tốt những danh từ chỉ các bộ phận trên cơ thể, lặp đi lặp lại. Như tay, chân, đầu gối, khuỷu tay, ngực, bụng… càng tỉ mỉ càng tốt. Hoặc hỏi con “bây giờ con muốn mẹ tắm, rửa cái gì trước nào?” để con tập gọi tên các bộ phận trên cơ thể mình.
  • Khi thay quần áo, hãy dạy con tên các loại quần áo. Ví dụ như: cái váy xanh, cái quần vàng, cái áo len đỏ… Rồi cả những danh từ chỉ các bộ phận của quần áo ví dụ như: ống tay, ống quần, cổ áo…
  • Khi con ở độ tuổi này, trò chơi ngôn ngữ là thích hợp nhất. Có rất nhiều cách chơi trò này. Ví dụ như hỏi con “cái gì màu đỏ ở trong buồng tắm?”, hoặc bảo con nói tên những đồ vật màu đỏ trong nhà mà con nhìn thấy. Trò chơi này khi đi chợ, đi dạo, ngồi trên xe ô tô, dọn dẹp nhà cửa đều có thể thực hiện được. Đây cũng là cách dạy con từ vựng về màu sắc, hình dáng, to nhỏ.
  • Khi con 2 tuổi, hãy mua nhiều sách cho con. Không chỉ cho con xem tranh, mà bố mẹ đọc cho con nghe. Nếu con muốn, mỗi ngày có thể đọc 5 tới 10 quyển. Khi đó, bố mẹ sẽ xem được quyển nào hay để đọc lại, quyển nào chỉ đọc qua. Hãy đọc nhiều lần cuốn nào mà con thích.

Theo Viện nghiên cứu ngôn ngữ quốc gia Nhật, trẻ 2 tuổi rất thích những từ ngữ chỉ quan hệ nhân quả. Quan hệ nhân quả nghe thì tưởng như rất khó, nhưng thực ra lại đơn giản.
  • Ví dụ, khi trẻ sờ vào lò sưởi nóng bị bỏng tay, hãy nói với trẻ: “Con không được sờ vào lò sưởi đang bật. Vì con sẽ bị bỏng”. Tuy nhiên, có nhiều người hay nói với con rằng: “Lò sưởi hư quá. Làm bỏng tay con của mẹ”.
  • Hay một ví dụ khác, khi trẻ bị kẹp ngón tay vào cửa thì các mẹ hay nói “Cửa hư quá. Để mẹ mắng cửa nhé”. Nói như vậy khiến trẻ không thấy được quan hệ nhân quả, dẫn đến không hình thành được tư duy nhìn nhận và hiểu sự việc một cách đúng đắn.
  • Thêm một ví dụ nữa. Đứa trẻ khóc vì quả bóng nó đang chơi bị lăn vào gầm giường không lấy ra được. Nhưng phụ huynh đang bận thì hỏi “Sao lại khóc? Nín đi” và dúi cho con một cái vào đầu. Đứa trẻ càng khóc to hơn. Rất nhiều trường hợp tương tự như vậy xảy ra, chính điều đó gây tổn thương cho trẻ, kìm hãm sự phát triển tính cách, khiến chúng trở nên rụt rè, không dám biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Trong trường hợp này, bố mẹ nên ân cần hỏi con tại sao khóc, nói với con như mình đang ở tâm trạng của con: “Có phải quả bóng lăn vào gầm giường không lấy ra được đúng không con? Nên con muốn bố/ mẹ lấy ra cho chứ gì?”. Đó mới là điều quan trọng. Khi bố mẹ làm như vậy, trẻ nhớ được cách bày tỏ tâm trạng, và học được 1 điều là “không khóc mà nói rõ ràng vấn đề thì bố mẹ sẽ giải quyết cho mình”.

          Lần sau nếu lại xảy ra tình trạng tương tự thì trẻ sẽ nói được “Tại vì quả bóng lăn vào gầm giường”. Những từ chỉ quan hệ nhân quả như vậy cần phải dạy cho trẻ 2 tuổi càng nhiều càng tốt. Chúng rất cần thiết cho việc phát triển năng lực tư duy sau này của trẻ.
  • Như đã nói ở trên, 2 tuổi có khả năng nhạy cảm với ngôn ngữ nhất. Ngoài đọc sách tranh, các bậc cha mẹ nên chú trọng đọc thơ cho con nghe. Thơ là tài liệu tốt nhất trong việc dạy con người ta về cái hay, cái quan trọng của ngôn ngữ. Khi trẻ ở độ tuổi này, phụ huynh không nhất thiết phải phân tích tỉ mỉ từng câu từng đoạn thơ, cũng không cần giải thích ý nghĩa của bài thơ, chỉ cần đọc đi đọc lại nhiều lần để trẻ thuộc và nhớ được là được.

Khi bố mẹ chọn một bài rồi đọc cho con nghe, trẻ không cần hiểu ý nghĩa, chỉ cần nhớ vần điệu của bài thơ – thứ làm chúng thích thú. Với trẻ 2 tuổi, bố mẹ cũng nên đọc những câu chuyện dân gian nhiều lần.

Trước khi đi ngủ, đừng quên việc đọc sách cho con nghe. Giai đoạn này tập cho trẻ làm quen với mặt chữ, gọi là thời kì khơi dậy sự quan tâm đến chữ nghĩa của trẻ.
  • Để trẻ gần gũi với chữ, ghi tên của trẻ vào tờ giấy rồi dán lên tường, đọc nhiều lần cho trẻ nghe.
Hướng trẻ chú ý vào chữ tên sách, tên thương hiệu hàng hoá, đọc và dạy những chữ ấy cho trẻ.
Mở rộng phạm vi chữ đã nhìn trong sách ra báo chí sẽ làm tăng sự quan tâm của trẻ đến chữ. Đi trên đường hay đi bộ cũng hướng cho trẻ nhìn thấy biển hiệu ghi chữ gì, biển số ô tô có chữ gì, số gì cũng là cách hay để con nhớ chữ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *