Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca bệnh COVID-19 đang gia tăng trở lại do nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, sự lưu hành của các biến thể mới và “nhiều người mất cảnh giác” trước dịch bệnh.
Theo báo cáo, hiện số người có các vấn đề về thính giác đã chiếm 20% dân số thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo số người bị khiếm thính trong vòng 3 thập kỷ tiếp theo có thể tăng từ 1,6 tỷ người năm 2019 lên 2,5 tỷ người. Đến năm 2050 sẽ có 700 triệu người mắc bệnh nghiêm trọng về thính giác đến mức phải điều trị, trong khi năm 2019 chỉ có 430 triệu người.
Theo báo cáo có quy mô toàn cầu đầu tiên của WHO về vấn đề thính giác, các nguyên nhân gây bệnh là nhiễm trùng, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, phơi nhiễm tiếng ồn và thói quen sinh hoạt. Nguyên nhân chính của sự gia tăng dân số có nguy cơ mắc các bệnh về thính giác là do việc thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, vốn thường xảy ra ở các nước có thu nhập thấp có ít chuyên gia đủ khả năng chữa trị các bệnh này. Do có gần 80% người khiếm thính sống tại các nước nghèo, nên phần lớn trong số họ không được hỗ trợ. Ngay tại các nước thu nhập cao và có cơ sở y tế tốt hơn, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng không đồng đều. Ngoài ra, việc thiếu kiến thức liên quan đến các bệnh thính giác cũng khiến người mắc không nhận được sự chăm sóc phù hợp.
WHO ước tính, mỗi năm thế giới thiệt hại gần 1.000 tỷ USD do không giải quyết thỏa đáng vấn đề trên, trong khi các nguyên nhân gây bệnh thính giác đều có thể ngăn ngừa được. Báo cáo đề xuất hàng loạt biện pháp khắc phục, với chi phí ước tính trung bình 1,33 USD/người mỗi năm. Báo cáo nhấn mạnh, nếu các nước không hành động để giải quyết vấn đề này, sức khỏe và hạnh phúc của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cũng như thiệt hại tài chính nặng nề do họ không thể giao tiếp cũng như không tiếp cận được giáo dục hay việc làm.
Báo cáo đề xuất nhiều biện pháp, bao gồm các sáng kiến y tế cộng đồng như giảm thiểu tiếng ồn ở không gian công cộng, tăng cường tiêm vaccine ngừa các bệnh có thể gây khiếm thính như viêm màng não. Bên cạnh đó, báo cáo khuyến nghị khám sàng lọc theo hệ thống nhằm phát hiện bệnh kịp thời vào những giai đoạn quan trọng. Báo cáo ước tính có 60% số ca khiếm thính ở trẻ em là có thể ngăn ngừa được.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, việc không giải quyết thỏa đáng các bệnh về thính giác không chỉ dẫn đến gánh nặng tài chính mà còn kéo theo những tác động khó lường đối với người mắc bệnh, như mất cơ hội giao tiếp, học tập và tương tác xã hội.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống