Ô NHIỄM TIẾNG ỒN LÀ GÌ?

Tác giả: Joy Victory, managing editor, Healthy Hearing
Một đứa trẻ la hét, TV chói lọi trong phòng khách, máy hút bụi, tiếng nhạc lớn phát ra từ phòng ngủ của con bạn tuổi tin: một ngôi nhà đông đúc có thể là nguồn gây ra tiếng ồn liên tục. Khi bạn bước ra khỏi nhà, ô nhiễm tiếng ồn thậm chí còn nhiều hơn. Vào một ngày thông thường, bạn có thể nghe thấy tiếng máy cắt cỏ của hàng xóm, tiếng xe ô tô, tiếng chó sủa, tiếng còi xe, thậm chí có thể là những âm thanh đinh tai nhức óc của một công trình xây dựng hoặc nơi làm việc — tiếng cưa, tiếng máy khoan, tiếng búa.
Chào mừng đến với thế giới hiện đại – và rất ồn ào. Trừ khi bạn sống ở một vùng nông thôn yên tĩnh, bạn không lạ gì với hiện tượng tiếng ồn môi trường, thường được gọi là ô nhiễm tiếng ồn.

ÂM THANH THỤ ĐỘNG CÓ HẠI

Ô nhiễm tiếng ồn thường được gọi là “bệnh dịch hiện đại không nhìn thấy được” vì lý do chính đáng. Có thể không nhìn thấy nhưng chắc chắn không phải là không nghe thấy. Thực tế nó làm phiền chúng ta ở mọi nơi chúng ta đến, cả ngày lẫn đêm. Và, ngoài việc dẫn đến mất thính giác, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Bạn đã nghe nói về khói thuốc thụ động (secondhand smoke). Đã đến lúc coi ô nhiễm tiếng ồn là âm thanh thụ động. Nó có hại và gần như không thể tránh khỏi ở hầu hết các khu vực thành thị.

Ô NHIỄM TIẾNG ỒN LÀ GÌ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization = WHO), ô nhiễm tiếng ồn là tình trạng tiếng ồn quá mức “gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và cản trở hoạt động hàng ngày của con người ở trường học, nơi làm việc, ở nhà và trong thời gian giải trí”.

Ô NHIỄM TIẾNG ỒN PHỔ BIẾN NHƯ THẾ NÀO?

Vấn đề tiếng ồn quá mức lớn đến mức nào? Theo Hiệp hội Thính giác – Ngôn ngữ Hoa Kỳ (American Speech-Language-Hearing Association = ASHA), ước tính có khoảng 30 triệu người Mỹ tiếp xúc với mức độ tiếng ồn nguy hiểm thường xuyên, tăng 10 triệu người so với chỉ vài năm trước. Và tất nhiên, hàng triệu người khác đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn trên toàn thế giới, vì vậy công bằng mà nói, tiếng ồn môi trường là một vấn đề ngày càng gia tăng trên thế giới.

CÁC NGUỒN Ô NHIỄM TIẾNG ỒN PHỔ BIẾN NHẤT LÀ GÌ?

Điều này phụ thuộc nhiều vào nơi bạn sống, nghề nghiệp và sở thích của bạn. Một thợ cơ khí sống cạnh ngã tư đông đúc và thường xuyên đi tàu điện ngầm sẽ gặp phải tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hơn nhiều so với một nhân viên văn phòng sống ở ngoại ô và tự lái xe hầu hết các ngày. Nhưng nhìn chung, đây là những nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn hàng đầu:

  • CÁC ĐỊA ĐIỂM XÂY DỰNG: Đây là ví dụ rõ ràng nhất khi hầu hết mọi người nghĩ về ô nhiễm tiếng ồn vì tất cả chúng ta đều sống gần hoặc đi ngang qua một công trường xây dựng rất ồn, hoạt động dựa vào các thiết bị rất lớn như cần cẩu, máy trộn xi măng, máy xúc và búa kích, tạo ra tiếng ồn rất lớn, gần như không đổi.
  • ÂM THANH CÁC ĐỊA ĐIỂM VUI CHƠI: Các bữa tiệc tại nhà, buổi hòa nhạc, câu lạc bộ, sân vận động và các địa điểm và tình huống tương tự khác rất thú vị đối với du khách nhưng không quá thú vị đối với những người ở khu vực lân cận, những người phải nghe tiếng ồn liên tục, đặc biệt khi những sự kiện này có loa lớn. Tiếng xe nổ và loa lớn cũng làm tăng thêm âm thanh.
  • GIAO THÔNG: Giao thông vận tải phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn và đông đúc. Những người sống gần đường cao tốc thường bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn, bao gồm tiếng ồn của động cơ ô tô, còi báo động khẩn cấp, còi và âm nhạc lớn, cùng với tiếng ồn do dòng xe cộ qua lại.
  • GIAO THÔNG HÀNG KHÔNG: Những người sống rất gần sân bay thường phải đối phó với ô nhiễm tiếng ồn từ máy bay đến và đi. Tương tự như vậy, những người và các gia đình sống gần đường ray xe lửa cũng đối phó với tiếng còi và xe ô tô hạng nặng hàng ngày (và thậm chí hàng giờ).
  • MÁY MÓC CÔNG NGHIỆP: Lò nung, máy nén, máy phát điện và cầu trục tại các khu công nghiệp hầu hết đều có hại cho những người làm việc tại các nhà máy hoặc xí nghiệp.

ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE CỦA Ô NHIỄM TIẾNG ỒN

Bạn đã bao giờ cáu kỉnh khi nghe thấy tiếng còi xe kêu mà không có lý do? Tiếng chó sủa thì sao? Còi xe cứu thương? Không có gì lạ khi người dân ở các thành phố lớn nghe thấy tất cả những âm thanh này cùng một lúc, cộng với những âm thanh khác của thành phố. Đó là một trải nghiệm căng thẳng và căng thẳng mãn tính không tốt cho sức khỏe. Những tiếng ồn này khiến bạn mất tập trung vào bất cứ việc gì đang làm, làm tổn thương thính giác và có thể khiến bạn thức dậy trong đêm, dẫn đến mất ngủ.
Các tác giả của một báo cáo sức khỏe cộng đồng về ô nhiễm tiếng ồn (public health report on noise pollution) ở Mỹ cho biết: “Tiếng ồn môi trường kéo dài gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe, bao gồm rối loạn giấc ngủ, khó chịu, mất thính giác do tiếng ồn (noise-induced hearing loss = NIHL), bệnh tim mạch, ảnh hưởng nội tiết và tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường”.
Tất cả những điều sau đây đều liên quan đến việc tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn:
  • Giảm thính lực do tiếng ồn
  • Ù tai, còn được gọi là tiếng kêu trong tai
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Bệnh tim và tiểu đường
  • Đau và mệt mỏi
  • Kết quả học tập và công việc kém
  • Khó chịu và nóng nảy
  • Các vấn đề về giọng nói
  • Phản ứng của nội tiết tố (kích thích tố căng thẳng) và hậu quả của chúng đối với sự trao đổi chất và chức năng hệ thống miễn dịch của con người

ỦNG HỘ CHỐNG Ô NHIỄM TIẾNG ỒN

Nhận thức về ô nhiễm tiếng ồn và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe và thính giác của bạn ít nhưng đang ngày càng gia tăng. Một số tổ chức nỗ lực tăng cường sự an toàn và yên tĩnh trong thế giới ồn ào của chúng ta. Ví dụ: Silencity là một tổ chức có trụ sở tại Thành phố New York nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm tiếng ồn và tìm kiếm các nhà hàng cũng như các không gian công cộng, nơi cư dân thành phố có thể tận hưởng thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh, an toàn khỏi tiếng ồn. Pipedown có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên loại bỏ những bản nhạc được thu băng gây phiền nhiễu mà chúng ta không thể tránh được khi chúng ta đi ăn tối hay đi mua sắm. Các chiến dịch “Nước Mỹ không tiếng ồn” (Noise-free America) nâng cao nhận thức của cộng đồng và nhà nước về tác hại của ô nhiễm tiếng ồn.

BẢO VỆ BẠN KHỎI Ô NHIỄM TIẾNG ỒN

Đây chắc chắn là những động thái đáng khen ngợi, và cần có những biện pháp hữu hình hơn như chúng cần tới ở tất cả các trung tâm đô thị ồn ào. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể thực hiện các bước để bảo vệ thính giác và sức khỏe của mình nói chung trước ô nhiễm tiếng ồn có hại:
  • Hãy biết khi nào âm lượng quá lớn. Nhiều tiếng ồn có thể gây ra hư hại (những tiếng ồn trên 80 decibel), bao gồm tiếng động cơ phản lực, tiếng máy cắt cỏ, tiếng xe máy, tiếng máy cưa, tiếng xuồng máy và tiếng của dàn âm thanh cá nhân. Nếu bạn phải cao giọng để hét lên trong tiếng ồn để ai đó cách xa một cánh tay nghe thấy, thì tiếng ồn có thể nằm trong phạm vi gây hư hại này.
  • Nhưng không phải chỉ tiếng ồn “lớn” mới góp phần gây ô nhiễm tiếng ồn, mà là nhịp sống tích lũy của cuộc sống đô thị khiến cho một ngày bình thường hiếm khi im lặng hoặc yên tĩnh. Hãy nhận biết các hành vi của chính bạn có thể góp phần vào vấn đề ô nhiễm tiếng ồn như thế nào và cách bạn có thể giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn bằng những thay đổi nhỏ: Đi ô tô, sử dụng thảm nhỏ và thảm trải sàn trong căn hộ của bạn và mua sắm các thiết bị và dụng cụ điện có độ ồn thấp. NIH cũng có những ý tưởng khác, bao gồm tắt nhạc hoặc TV khi bạn không sử dụng và trồng cây để ngăn bớt tiếng ồn.
  • Khi tham gia vào công việc ồn ào hoặc các hoạt động giải trí, hãy đeo thiết bị bảo vệ thính giác (hearing protective devices = HPDs) như nút tai hoặc bịt tai. Theo luật, HPD phải được gắn nhãn Xếp hạng giảm tiếng ồn (Noise Reduction Rating = NRR) dựa trên hiệu suất thu được trong điều kiện phòng thí nghiệm lý tưởng, vì vậy hãy ghi nhớ điều này khi đi mua sắm. Một trong những âm thanh lớn nhất và có hại nhất trên hành tinh là súng cầm tay (như súng trường, súng lục).
  • Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị mất thính lực, hãy đi kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.
Để tìm hiểu thêm về các thiết bị bảo vệ thính giác và kiểm tra thính lực của bạn, hãy đến gặp chuyên gia thính học gần bạn ngay hôm nay để bắt đầu con đường đạt được thính giác khỏe mạnh hơn.
Người dịch: Thầy thuốc ưu tú
Bác sĩ chuyên khoa II NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *