Giải thích về mất thính lực

Chúng ta nghe như thế nào?

Nghe là 1 quá trình phức tạp bao gồm sự phối hợp hoạt động của rất nhiều các bộ phận của tai nhằm chuyển đổi sóng âm thanh thành thông tin gửi đến não bộ, nơi mà âm thanh được diễn giải và được hiểu.

Tai được cấu tạo bởi 3 phần chính:

  1. Tai ngoài: vành tai và ống tai ngoài.
  2. Tai giữa: màng nhĩ và tập hợp rất nhỏ bao gồm xương búa, xương đe và xương bàn đạp,tạo thành một cấu trúc chuỗi.
  3. Tai trong: ốc tai và các tế bào thần kinh thính giác.

Hiểu đơn giản, âm thanh bao gồm cả tiếng nói, được tai tiếp nhận và được truyền đi theo 1 con đường xác định tới khu vực thính giác (hoặc trung tâm thính giác) ở não bộ, nơi âm thanh được hiểu. Các bộ phận khác nhau của tai và toàn bộ đường truyền dẫn âm thanh hoạt động như 1 trung tâm vận chuyển khi tiếp nhận và chuyển âm thanh tới điểm đến tiếp theo của hệ thống thính giác. Bất cứ sự đứt gãy nào trong quá trình di chuyển của âm thanh đều tạo ra các thay đổi tại điểm đến cuối cùng tại não bộ, gây rối loạn nghe hoặc giảm thính lực.

Tai ngoài, tai giữa, tai trong và trung tâm thính giác tại não bộ tạo ra hệ thống thính thính giác. Và đây là cách chúng hoạt động:

Tai ngoài thu nhận sóng âm thanh chuyển động trong không gian và chuyển chúng tới màng nhĩ.

Màng nhĩ rung theo sóng âm.

Chuyển động rung của sóng âm được truyền qua các hệ thống các xương nhỏ (các xương này nằm tại tai giữa) tới ốc tai.

Chuyển động rung của sóng âm làm chuyển động nội dịch tai trong và các tế bào lông chuyển cực nhỏ trong ốc tai.

Chuyển động của các tế bào lông tạo ra các tín hiệu thần kinh, các tín hiệu này được tiếp nhận bởi các tế bào thần kinh.

Các tế bào thần kinh gửi các tín hiệu này tới trung tâm thính giác của  não bộ, nơi chúng được tiếp nhận như là âm thanh và tiếng nói.

Như vậy, ngay khi âm thanh được tai tiếp nhận, nó thực ra đã được nghe bởi bộ não rồi.

Vùng ‘Chuối’ ngôn ngữ là gì?

Vùng chuối ngôn ngữ là 1 thuật ngữ dùng để mô tả 1 khu vực mà tiếng nói con người (được gọi là âm vị) xuất hiện trên thính lực đồ (biểu đồ thể hiện các ngưỡng nghe của 1 người). Khi các âm vị được đánh dấu trên thính lực đồ, chúng tạo thành hình 1 quả chuối. Vì thế, các nhà thanh thính học hay chuyên gia âm học thường hay nhắc đến vùng này như là vùng “chuối ngôn ngữ”. Trong khi có nhiều âm thanh nằm ngoài vùng chuối ngôn ngữ, các nhà thanh thính học sẽ quan tâm nhiều nhất đến các tần số nằm trong vùng chuối ngôn ngữ, bởi giảm sức nghe ở các dải tần này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ.

 

Nguyên nhân gây giảm thính lực?

 

Giảm thính lực là kết quả của việc 1 phần nào đó trong quá trình dẫn truyền âm thanh không hoạt động đúng chức năng, gây ra sự gián đoạn trong hành trình của  âm thanh đến não bộ. Nguyên nhân có thể gây ra bởi yếu tố gen, môi trường sống, kết quả  bệnh lý hoặc thậm chí không xác định được nguyên nhân.

Yếu tố Gen: có hơn 50% số trẻ em giảm sức nghe được tin rằng nguyên nhân do gen. Giảm thính lực do yếu tố gen hoặc di truyền xảy ra khi 1 đoạn gen của bố hoặc mẹ hoặc cả 2 bị rối loạn khi phân chia gây ảnh hưởng đến tai ngoài, tai giữa, tai trong, gây ra các mức độ khác nhau của giảm thính lực.

Phơi nhiễm trong quá trình mang thai: trong vài trường hợp, nhiễm trùng tử cung, bệnh tật hoặc mẹ bị nhiễm độc trong quá trình mang thai có thể tác động đến đứa trẻ trong tử cung gây giảm thính lực.

Tai biến khi sinh: Các thủ thuật hoặc thuốc được sử dụng để cứu mạng sống của đứa trẻ trong trường hợp khẩn cấp( như: hô hấp nhân tạo hoặc kháng sinh liều cao) cũng gây ảnh hưởng đến sức nghe.

Giảm thính lực mắc phải: giảm thính lực mắc phải sau khi sinh thường xảy ra bởi các nguyên nhân như:

  • Nhiễm trùng tai mạn tính, còn được gọi là viêm tai giữa: một nguyên nhân phổ biến ở trẻ em và thường chỉ gây giảm thính lực tạm thời. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm kéo dài mà không được chữa trị hoặc tái phát nhiều lần có thể ảnh hưởng đến sức nghe và gây thêm nhiều nguy cơ kéo dài.
  • Nhiễm độc thuốc: thường được kê để điều trị các bệnh nghiêm trọng như viêm màng não, các loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến sức nghe.
  • Các bệnh: một số bệnh như chứng xơ cứng tai, hội chứng Méniere, viêm màng não và quai bị có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe.Các tác động khác nhau lên thính lực phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và thời gian điều trị.
  • Các tổn thương vùng đầu: các chấn thương đầu có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực, đặc biệt là ở những trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
  • Thủng màng nhĩ: Nhiễm trùng tai, chấn thương đầu hoặc dị vật trong tai ( đồ chơi nhỏ, bút, tăm bông, nến xông tai…vv..) có thể đe dọa đến màng nhĩ. Thông thường, thủng màng nhĩ hoặc rách màng nhĩ sẽ lành nếu được điều trị đúng và đồng thời việc nghe kém có thể chỉ là tạm thời .

Không rõ nguyên nhân: trong 1 vài trường hợp, không tìm ra được nguyên nhân tại sao con bạn lại bị điếc hoặc khó nghe. Lúc này  không cần quá quan tâm đến  nguyên nhân nữa, điều quan trọng là phải tiến hành chẩn đoán xác định sớm và đảm bảo con bạn có thể nghe để có thể nói và phát triển ngôn ngữ sớm và phù hợp ngay khi có thể.

 

 

Có phải tất cả các dạng khiếm thính đều giống nhau?

 

Câu trả lời là không. Thực ra có 5 thể khác nhau của giảm thính lực:

Thể dẫn truyền: xuất hiện khi tình trạng của tai ngoài hoặc tai giữa cản trở âm thanh đi đến tai trong và não bộ. Nguyên nhân có thể bao gồm tình trạng tắc nghẽn của tai ngoài hoặc ống tai, viêm tai tiết dịch hoặc 1 dạng dị tật của tai ngoài và tai giữa. Giảm thính lực có thể chỉ là tạm thời hoặc được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu tình trạng không được cải thiện thông qua điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật, nhiều người khiếm thính thể dẫn truyền có thể sử dụng các phương tiện trợ thính để cải thiện sức nghe.

Thể tiếp nhận: thông thường, thể này là hậu quả của các vấn đề tại ốc tai, có thể là dị tật hoặc tổn thương. Tổn thương có thể xuất hiện từ viêm nhiễm như viêm màng não hoặc tác dụng phụ của thuốc ( gây độc lên phần nào đó của tai). Mất thính lực dạng này thường không thể điều trị nội khoa. Các giải pháp thường là máy trợ thính, cấy ghép tai giữa hoặc các loại ốc tai điện tử tùy theo nguyên nhân và mức độ của giảm thính lực. Hãy trang bị cho con bạn 1 thiết bị trợ thính phù hợp càng sớm càng tốt ngay sau khi được chẩn đoán là 1 bước rất quan trọng để phát triển khả năng tiếp cận âm thanh của trẻ.

Thể hỗn hợp: là sự kết hợp giữa giảm thính lực thể dẫn truyền và thể tiếp nhận

Thể thần kinh: đây là thể bệnh khá hiếm gặp, là kết quả quả của sự tổn thương hoặc dị tật của thần kinh thính giác có vai trò kết nối giữa ốc tai (ở  tai trong)  và não bộ.Thể điếc này là điếc sâu và không thay đổi. Các giải pháp như máy trợ thính hoặc cấy ghép ốc tai thường không khả thi bởi trong thể bệnh này các tế bào thân kinh đã mất đi khả năng chuyển giao thông tin tới não bộ. Trong 1 số trường hợp việc cấy ghép hệ thống thần kinh thính giác có thể được sử dụng nhưng kết quả thu được là rất hạn chế.

Thể đường dẫn thần kinh thính giác: thường xảy ra khi sự dẫn truyền âm thanh diễn ra bình thường đến tai trong nhưng kết nối xa hơn đến não bộ bị suy giảm. Trẻ em và người lớn mắc hội chứng rối loạn thần kinh thính giác (ASDN) có thể bị giảm sức nghe từ mức độ nhẹ đến  nặng và khả năng nghe hiểu cũng có thể thay đổi ở biên độ rộng. Mất thính lực thể này thường rất khó chẩn đoán bởi khả năng nghe có thể thay đổi qua lại, khiến cho việc tham vấn 1 chuyên gia thính học Nhi khoa có kinh nghiệm chẩn đoán ASDN là rất quan trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *