Khoa học lý thú và sự kỳ diệu của cấy điện cực ốc tai: Tăng khả năng tiếp cận tại những nước đang phát triển (Phần 2)

Nguồn: Discover Magazine

Nếu phần 1 của bài viết này bắt đầu với một câu chuyện vui về Bá tước Volta tự gắn điện cực vào tai mình, thì phần của bài viết này chúng tôi sẽ đi vào vấn đề chính một cách nghiêm túc hơn. Ở đây, chúng tôi sẽ nhắc đến những lý do vì sao không phải ai cũng có thể tiếp cận được điện cực ốc tai, và tại sao điện cực ốc tai lại gần như ngoài tầm với đối với những người cần nó nhất ở các quốc gia đang phát triển.

Những rào cản cấp thiết nhất ngăn người lớn và trẻ em ở các nước đang phát triển tiếp cận với lợi ích của việc cấy điện cực ốc tai thể hiện rõ như sau: (1) chi phí đắt đỏ của thiết bị Ốc tai điện tử; (2) phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi trình độ tay nghề cao; và (3) thiếu thốn về chuyên môn và các dịch vụ phục hồi chức năng sau phẫu thuật trong nước.

May mắn rằng, có một tia sáng phía cuối đường hầm. Trong phần 2 của bài viết này, chúng tôi nhìn vào những nỗ lực to lớn của các tổ chức phi lợi nhuận nhằm vượt qua vô số rào cản xung quanh việc cấy điện cực ốc tai ở các nước đang phát triển. Chúng tôi cũng đề cập tới một hướng tiếp cận mang tính thử nghiệm (song cũng gây tranh cãi) với cấy điện cực ốc tai mà có thể giảm đi đáng kể chi phí và độ phức tạp của các bộ phận cấu thành điện cực cũng như các phẫu thuật.

Tại sao khả năng tiếp cận tới cấy điện cực ốc tai lại vô cùng quan trọng với trẻ nhỏ

Cấy điện cực ốc tai có thể đem lại sự thay đổi vô cùng to lớn tới cuộc sống của những người trưởng thành mất khả năng thính giác, nhưng chúng thậm chí còn quan trọng hơn với trẻ nhỏ. Đó là bởi vì trẻ khiếm thính chỉ có một khoảng thời gian ngắn để phát triển các kỹ năng nghe nói. Nếu vấn đề thính giác không được giải quyết với máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai đến khi trẻ lên 3 tuổi (sớm hơn càng tốt), thì trẻ gặp vấn đề thính giác nghiêm trọng có thể sẽ không còn khả năng phát triển các kỹ năng nghe nói một cách tự nhiên.

Không có kỹ năng nghe và ngôn ngữ nói, trẻ điếc và khiếm thính nặng sẽ khó học trường thường hoặc tham gia hòa nhập xã hội. Đáng buồn là ở những nước đang phát triển, nhiều cháu gặp tình trạng này bị xếp nhầm vào phân loại khuyết tật trí tuệ trong khi thực tế là có một trí tuệ tỏa sáng, tuyệt vời ẩn đằng sau sự mất khả năng giao tiếp của các cháu.

Nguồn ảnh: Global Foundation For Children With Hearing Loss

Theo Paige Stringer, Giám đốc điều hành của Global Foundation For Children With Hearing Loss (GFCHL): “Việc phát hiện khiếm thính càng sớm càng tốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là rất quan trọng, để các em có thể có được công nghệ nghe và hỗ trợ can thiệp sớm – những thứ các em cần để học nghe và nói. Để một đứa trẻ có thể phát triển ngang bằng với bạn đồng lứa có khả năng nghe thông thường trên các phương diện nói, ngôn ngữ, và nghe, chúng phải tiếp cận được tới những âm thanh của giọng nói. Tiếp cận sớm với máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện cực là chìa khóa dẫn đến thành quả tốt đẹp.”

Nhắc lại quan điểm của Stringer, một nghiên cứu quan trọng năm 2010 xác nhận điều mà đa số những người hoạt động trong lĩnh vực về thính giác và âm ngữ đã biết. Nghiên cứu này chỉ ra rằng trẻ em được cấy điện cực ốc tai trước 18 tháng đạt được khả năng nói gần giống với trẻ em bình thường. Ngược lại, những em cấy điện cực ốc tai sau 3 tuổi tiếp tục thể hiện khoảng cách đáng kể trong khả năng nói so với trẻ em không mất khả năng nghe.

Ở những nước đang phát triển, nơi mà khả năng tiếp cận với cấy điện cực ốc tai và máy trợ thính còn khan hiếm, một số trẻ điếc có thể đi học những trường dạy ngôn ngữ ký hiệu và có chương trình giảng dạy chuyên biệt. Nhưng trẻ em ở nông thôn và những khu vực kém phát triển thường không có lựa chọn này. Không được cấy điện cực ốc tai, tiếp cận với máy trợ thính giá cả phải chăng, hay học hành đầy đủ, các em sẽ không thể phát triển kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp của mình trong một môi trường thông thường. Không phải thổi phồng khi nói rằng các em bị kỳ thị nặng nề, cô lập xã hội, và gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế – xã hội, tất cả chỉ vì nghe khó.

Nguồn ảnh: BBC

Khi trẻ sinh ra gặp khó khăn về nghe hay bị điếc ở những nước phát triển như Hoa Kỳ hay Anh, công nghệ, trị liệu và cơ hội học tập dễ tiếp cận hơn, giúp xóa bỏ những rào cản hướng tới một cuộc sống bình thường. Những đứa trẻ này có tiềm năng lớn lên mà không vướng phải nhiều trở ngại mà trẻ đang phát triển thường gặp.

Tại sao cấy điện cực ốc tai lại khó tiếp cận ở những nước đang phát triển?

Dưới đây là 3 lý do chính khiến cấy điện cực ốc tai khó tiếp cận ở những nước đang phát triển: (1) chi phí của các bộ phận và phẫu thuật; (2) phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao; và (3) cần có các dịch vụ phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

1. Chi phí đắt đỏ của các bộ phận cấu thành điện cực ốc tai

Chi phí các bộ phận của điện cực ốc tai và phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn một điều là: Giá cả vượt xa tầm với của một người bình thường ở một nước đang phát triển. Ở Hoa Kỳ, chỉ các bộ phận chưa tính đến chi phí phẫu thuậtđã tốn hơn 25.000$ mỗi tai, và tổng cộng chi phí cả phẫu thuật có thể lên tới hơn 80.000$ mỗi tai. Ở các quốc gia phát triển, bảo hiểm quốc gia hoặc tư nhân thường chi trả những khoản phí này, nên khả năng tiếp cận không phải là vấn đề.

Ở nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, giá các bộ phận điện cực ốc tai rẻ hơn, nhưng chi phí vẫn đắt tới nỗi không thể trang trải được. Trong bài viết “Những thách thức khi bắt đầu một chương trình cấy điện cực ốc tai ở một nước đang phát triển”, bác sĩ Kumaresh Krishnamoorthy viết rằng các bộ phận điện cực ốc tai có giá từ 12.000$ tới 25.000$ ở Ấn Độ. Tính cả phẫu thuật, tổng chi phí lên tới 17.000$ đến 29.500$. Nếu tính theo mức lương trung bình của người Ấn Độ là 2.120$ mỗi năm và mức lương của họ chỉ đủ sống qua ngàythì dễ thấy rằng tại sao đa số người Ấn Độ tuyệt đối không thể đủ khả năng chi trả chi phí cấy điện cực ốc tai nếu không có hỗ trợ kinh tế từ chính phủ hoặc bảo hiểm.

Stringer nói: “Có cả những khoản phí liên quan tới cấy điện cực ốc tai sau phẫu thuật bao gồm đảm bảo chi trả cho quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật kéo dài suốt đời, thay mới các bộ phận, dịch vụ và nâng cấp. Nhiều gia đình tập trung vào giá tiền cấy thiết bị ban đầu và phẫu thuật, nhưng họ không có điều kiện trả cho những khoản phí kéo theo sau đó.”

Krishnamoorthy chỉ ra rằng: “Cấy điện cực ốc tai là một lựa chọn phục hồi thính lực đã được kiểm chứng cho những cá nhân bị mất thính giác từ nặng tới mất thính giác cảm giác thần kinh nghiêm trọng, những người mà máy trợ thính không còn tác dụng hỗ trợ nữa. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số những cá nhân này được cấy điện cực ốc tai, và chi phí vẫn là một yếu tố gây trở ngại lớn, đặc biệt là ở những nước đang phát triển […] công nghệ này gần như không nằm trong tầm với của đại chúng.”

Điều đáng buồn là mặc dù nhiều quốc gia đang phát triển có các chương trình cấy điện cực ốc tai do chính phủ tài trợ, đa số lại không có đủ bác sĩ phẫu thuật hoặc cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng sau phẫu thuật để phục vụ tất cả những ai cần.

2. Phẫu thuật cấy điện cực ốc tai phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao

Một khi đã được đào tạo bài bản, một nhà thần kinh học về tai có thể thực hiện an toàn một quy trình cấy điện cực ốc tai, nhưng chương trình đào tạo phẫu thuật rất dài, phức tạp và tốn kém và chỉ có ở những nước phát triển. Đó là lý do tại sao lại không có đủ bác sĩ phẫu thuật ở những nước đang phát triển có đủ trình độ thực hiện an toàn các quy trình cấy điện cực ốc tai.

Nguồn ảnh: Blausen.com staff (2014). “Medical gallery of Blausen Medical 2014”. WikiJournal of Medicine 1 (2). DOI:10.15347/wjm/2014.010. ISSN 2002-4436.

Nhìn các bước thực hiện, không khó để hiểu được độ phức tạp của quy trình này:

  1. Thực hiện gây mê toàn thân: Buộc phải có gây mê toàn thân trong quy trình kéo dài từ 2 đến 4 tiếng.
  2. Rạch một đường đằng sau tai: Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường đằng sau tai để lộ ra xương chũm.
  3. Nhận biết các dây thần kinh mặt: Bác sĩ tìm những dây thần kinh mặt và khoan một đường giữa chúng xuyên qua xương chũm đến khi lộ ra ốc tai.
  4. Đặt dây điện cực: Bác sĩ mổ ốc tai và lắp dây điện cực vào trong ốc tai.
  5. Đặt bộ phận tiếp nhận: Bác sĩ tạo một hõm nông ở xương sọ sau tai và gắn cố định bộ phận tiếp nhận phẳng hình tròn vào phần xương ngay dưới tai. 
  6. Khâu lại vết rạch: Bác sĩ khâu kín vết rạch và hoàn thành quy trình phẫu thuật.

Với những bước như trên, thực hiện quy trình cấy điện cực ốc tai không hề “đơn giản” hay “dễ dàng”. Nó đòi hỏi gây mê toàn thân, khoan xuyên qua xương chũm và loại bỏ một phần xương sọ, cũng như có rủi ro gây tổn hại tới dây thần kinh mặt. Việc sử dụng robot phẫu thuật thực hiện quy trình cấy điện cực ốc tai có thể giảm thiểu đòi hỏi về mặt kỹ thuật chuyên môn, công nghệ này vẫn rất khó tiếp cận ở những nước đang phát triển.

Như chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn ở phần dưới, không loại trừ khả năng một thiết kế điện cực ốc tai thử nghiệm trong tương lai sẽ có thể giảm chi phí và độ phức tạp khi phẫu thuật gắn liền với công nghệ này.

3. Cần có dịch vụ tập luyện và hồi phục chức năng sau phẫu thuật 

Ngoài chi phí và độ phức tạp cao của các phẫu thuật cấy điện cực ốc tai, bệnh nhân sau khi cấy cần vài tháng hoặc vài năm trong trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tập luyện khi họ học cách nghe để nhận biết âm thanh và hiểu được lời nói. Với trẻ nhỏ, trị liệu âm – ngữ là vô cùng quan trọng. Yêu cầu tập luyện này thường ngăn những người sống ở khu vực nông thôn cấy điện cực ốc tai đơn giản vì họ không thể thường xuyên gặp trực tiếp một bác sĩ chuyên khoa để tham gia hồi phục chức năng sau phẫu thuật và trị liệu âm – ngữ.

Stringer thuộc GFCHL nêu ý kiến về vấn đề này: “Công nghệ cấy điện cực ốc tai không phải là giải pháp đứng một mình. Nó là một thiết bị y tế chuyên dụng cần nhiều sự hỗ trợ. ĐCOT không phải như những cặp kính cận mà bạn đeo lên là lập tức có thể nhìn rõ hơn. ĐCOT chỉ là một công cụ mở ra hướng tiếp cận với âm thanh của tiếng nói. Người sau khi phẫu thuật cấy ĐCOT phải trị liệu hồi phục chức năng rất nhiều, đặc biệt là trẻ nhỏ, để có thể hưởng đầy đủ những lợi ích từ nó.”

Cung cấp điện cực ốc tai tới những người cần chúng không chỉ là một câu hỏi về cấp vốn và tìm nguồn cung bác sĩ phẫu thuật. Để mang công nghệ này tới nhiều người ở các nước đang phát triển hơn, thì các cơ quan chính phủ cũng cần vượt qua được thách thức lớn về mặt hậu cần – xây một cơ sở hạ tầng y tế đảm bảo (1) có đủ bác sĩ phẫu thuật trình độ cao và trang thiết bị phẫu thuật để phục vụ tất cả mọi người; (2) có đủ các cơ sở dịch vụ được đào tạo ngay trong nước để những bệnh nhân đã cấy điện cực ốc tai có thể được trị liệu phục hồi chức năng và trị liệu âm – ngữ.

4. Sự thiếu nhận thức về những lợi ích của cấy điện cực ốc tai

Cũng phải nhắc đến sự thiếu nhận thức về (1) cần phải sàng lọc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có dấu hiệu điếc, và (2) những lợi ích của điện cực ốc tai và máy trợ thính khi điều trị bệnh điếc và những hội chứng về nghe khác. Thiếu hiểu biết về những vấn đề này khiến trẻ sinh ra bị khiếm thính có thể sẽ không bao giờ được phát hiện – và kể cả nếu chúng có được phát hiện, thì phụ huynh có thể sẽ không biết đến sự tồn tại của các phương pháp và liệu trình điều trị.

Với những người khiếm thính trưởng thành, họ cũng có thể không nhận ra rằng mình đang bị mất thính giác và kể cả nếu họ có nhận ra đi chăng nữa, thì họ cũng không biết rằng một cặp máy trợ thính hoặc điện cực ốc tai có khả năng khiến cuộc sống của mình cải thiện rất nhiều. Nhân tiện, sự thiếu nhận thức này cũng là một vấn đề ở các nước phát triển, nhưng người trưởng thànhbất kể ở đâu đều có thể nhanh chóng kiểm tra mức độ mất thính giác của mình bằng một bài kiểm tra thính lực online.

Vượt qua những rào cản khi tiếp cận với điện cực ốc tai

Hướng tiếp cận phổ biến nhất để bù đắp cho khoảng cách khi tiếp cận với điện cực ốc tai là gia tăng sự ủng hộ phi lợi nhuận và viện trợ quốc tế cho các chương trình cấy điện cực ốc tai của chính phủ. Điều này bao gồm giúp đỡ những quốc gia đang phát triển vượt qua những thách thức về mặt hậu cần – tìm nguồn cung bác sĩ phẫu thuật, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật, phổ biến kiến thức về các phương pháp điều trị khiếm thính tới cộng đồng.

Hướng tiếp cận thứ hai để tăng khả năng tiếp cận là tư duy lại hoàn toàn về công nghệ này và các bước phẫu thuật của nó. Bằng cách thiết kế lại điện cực ốc tai sao cho vừa túi tiền – và khiến các phẫu thuật trở nên đơn giản hơn, ít xâm lấn hơnthì giải quyết vấn đề chi phí và hậu cần của điện cực ốc tai trở nên dễ dàng hơn nhiều.

1. Những nỗ lực phi lợi nhuận để tăng khả năng tiếp cận điện cực ốc tai ở các nước đang phát triển

Không có nhiều tổ chức hoàn toàn chuyên về nâng cao khả năng tiếp cận tới điện cực ốc tai cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Quỹ Global Foundation for Children with Hearing Loss (GFCHL) là một tổ chức luôn dành hết tâm huyết thực hiện mục tiêu này. Dưới sự dẫn dắt của Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Page Stringer – một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và cũng là một người đã được cấy điện cực ốc tai GFCHL có sứ mệnh mang tới thay đổi trực tiếp và lâu dài cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị điếc hoặc nghe khó và sống ở những nước đang phát triển. Hãy xem video này của Stringer để tìm hiểu thêm về tổ chức.

Theo Stringer: “Một chương trình cấy điện cực ốc tai bền vững ở một quốc gia cần đảm bảo trình độ chuyên môn cao và các dịch vụ được đào tạo NGAY TRONG NƯỚC về phẫu thuật cấy điện cực ốc tai, thính học, vạch ra quy trình cấy điện cực ốc tai, trị liệu âm – ngữ, và can thiệp sớm. Phụ huynh và các thành viên trong gia đình không chỉ cần tiếp cận với sự giám định và hỗ trợ chuyên nghiệp, mà họ cũng luôn cần dịch vụ và trang thiết bị. Ở nhiều nước đang phát triển, những yếu tố này vẫn còn thiếu sót. Thêm nữa là chi phí của tất cả các yếu tố đều rất lớn, khiến cho nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc chi trả nếu không được bảo hiểm hoặc trợ cấp nhà nước hỗ trợ.”

Nguồn ảnh: Global Foundation For Children With Hearing Loss

Stringer nói rằng mang công nghệ nghe tới cho trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển cũng là một nỗ lực đội lên gấp đôi:

  1. Nâng cao nhận thức: Giúp đỡ chính phủ, chính quyền y tế trong nước, các điều dưỡng viên, và cộng đồng nói chung hiểu rằng trẻ khiếm thính có thể học nghe nói khi chúng nhận được sự hỗ trợ đúng đắn ở một giai đoạn phát triển đủ sớm. Đây là một quá trình giáo dục và bao gồm cả các thành viên trong gia đình lẫn điều dưỡng viên, cùng lúc phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
  2. Tổ chức và Hậu cần: Tổ chức các kế hoạch huấn luyện giúp những nước đang phát triển đào tạo dịch vụ trong nước và trình độ chuyên môn cao. Đây là một quy trình dạy họ biết cách phát triển các chương trình sàng lọc giúp hỗ trợ phát hiện sớm, khuyến khích đeo máy trợ thính và cấy điện cực ốc tai đúng thời điểm, và đảm bảo khả năng tiếp cận tới các chuyên gia trong nước – ví dụ như các nhà thính học, bác sĩ phẫu thuật cấy điện cực ốc tai và nhà trị liệu ngôn ngữ.

Với các chương trình ở Việt Nam, Bhutan và Mông Cổ, trước đó ở Ecuador, những nỗ lực của GFCHL đã được đền đáp:

  • Sàng lọc hàng chục nghìn trẻ sơ sinh
  • Huấn luyện hàng trăm giáo viên, nhà trị liệu và chuyên gia y tế
  • Hỗ trợ giáo dục về khiếm thính ở trẻ nhỏ cho hàng trăm gia đình
  • Lắp đặt máy trợ thính điện tử cho hơn 400 em nhỏ với hỗ trợ không ngừng nghỉ từ các chuyên gia được GFCHL đào tạo

GFCHL cũng hợp tác với tổ chức chăm sóc thính lực toàn cầu Hear the World Foundation (nhánh từ thiện của công ty Sonova đã sản xuất điện cực ốc tai Advance Bionics) để cấy tặng điện cực ốc tai cho 10 em nhỏ Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn cùng 15 năm hỗ trợ thính học và nâng cấp công nghệ. Các em cũng được nhận hỗ trợ trị liệu âm – ngữ bởi các chuyên gia Việt Nam được đào tạo bởi GFCHL trong nhiều năm.

Các tổ chức khác cũng góp phần cung cấp dịch vụ hỗ trợ máy trợ thính cho những ai có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, ban điều hành công ty sản xuất máy trợ thính giá hợp lý MDHearingAid (CEO Doug Breaker và Phó Giám đốc mảng Chuỗi cung ứng Sản phẩm Paul Bryant) gần đây đã giúp bảo trợ sứ mệnh năm 2020 của AllHear Foundation tới Belize. Quỹ AllHear Foundation đã hoàn thành 100 bài kiểm tra thính lực miễn phí và cung cấp 91 máy trợ thính miễn phí tới những người có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn ảnh: AllHear Foundation, hình ảnh những bệnh nhân khiếm thính ở Belize, Bác sĩ Chip Goldsmith (hình giữa bên trái) và bệnh nhân (bên phải)

Sứ mệnh tại Belize với quỹ AllHear Foundation là lần đầu tiên MDHearingAid tham gia vào một dự án nước ngoài. Trong nước, MDHearingAid cũng đã bắt tay với H.O.M.E. để trao tặng số máy trợ thính trị giá 100.000$ tới người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở Chicago. MDHearingAid phát biểu rằng họ sẽ tham gia vào nhiều dự án trong nước và quốc tế hơn để cung cấp thêm nhiều dịch vụ hỗ trợ thính giác trong tương lai. Doug Breaker, CEO của MDHearingAid cho biết, “Cho đi là rất quan trọng đối với chúng tôi. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp máy trợ thính giá cả hợp lý mà vẫn chất lượng tới cho nhiều người nhất có thể. Một phần trong đó là chúng tôi dành tặng những người có hoàn cảnh khó khăn bất cứ khi nào có thể, và hy vọng lan rộng được những nỗ lực đó trong tương lai.”

Theo Stringer, vượt qua những thách thức về mặt kinh tế, tổ chức và hậu cần của việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ thính giác cho trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển là việc về lâu về dài. Tuy nhiên, những thành quả to lớn mà GFCHL và những tổ chức tương tự khác nỗ lực đạt được đã có thể nhìn thấy.

2. Một công nghệ thử nghiệm có thể khiến điện cực ốc tai trở nên dễ tiếp cận hơn

Cho tới giờ, chúng ta đã bàn luận về phương pháp những tổ chức phi lợi nhuận đã sử dụng để mang điện cực ốc tai tới nhiều người trên thế giới hơn. Tuy nhiên, có một cách nữa để tăng mạnh hơn khả năng tiếp cận tới điện cực ốc tai. Điều này yêu cầu phải thiết kế lại từ gốc công nghệ cấy điện cực ốc tai để khiến thiết bị có giá cả hợp lý hơn cũng như giúp những thao tác phẫu thuật dễ thực hiện và an toàn hơn.

Chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ Chip Goldsmith, một nhà thần kinh học về tai và bác sĩ phẫu thuật cấy điện cực ốc tai, và cũng là người đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận AllHear Foundation, để tìm hiểu thêm về những cập nhật mới nhất trong thiết kế điện cực ốc tai giá rẻ. Goldsmith đang tiến hành một phương pháp cấy điện cực ốc tai thử nghiệm nhưng vẫn đảm bảo an toàn và có chi phí hợp lý hơn. Theo Goldsmith, cộng đồng y học nói chung vẫn còn hoài nghi với phương pháp của ông, nhưng ông tin rằng một khi đã được phát triển hoàn toàn và thử nghiệm trên bệnh nhân, thiết kế của ông có thể sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tới điện cực ốc tai với những người sống ở các nước có mức thu nhập từ trung bình tới thấp.

Những ý tưởng của Goldsmith xoay quanh câu hỏi rằng dây điện cực dài, đa kênh ở các điện cực ốc tai hiện đại liệu có cần thiết. Các nhà thần kinh học về tai thường nhất trí rằng cần có một điện cực ốc tai đa kênh để kích thích những khu vực chủ chốt của ốc tai. Không có sự kích thích đặc trưng này, họ tin là người bệnh sẽ không thể nhận biết được lời nói và những âm thanh phức tạp khác (đọc phần một của bài viết này để nắm được cách vận hành của điện cực ốc tai truyền thống). Đáng tiếc là yếu tố đa kênh khiến chi phí sản xuất điện cực ốc tai trở nên đắt đỏ, cũng như làm quy trình phẫu thuật xâm nhập sâu và khó thực hiện. Hơn hết, cấy dây điện cực dài, đa kênh vào ốc tai thường phá hủy hết những năng lực nghe tự nhiên còn sót lại ở người bệnh.

Theo Goldsmith, cố vấn của ông là bác sĩ William F. House (người được công nhận là một trong những nhà phát minh ra điện cực ốc tai), tin vào một hướng tiếp cận khác với thiết kế điện cực ốc tai. Bác sĩ House giữ vững quan điểm rằng một điện cực ốc tai ngắn, đơn kênh có thể trở thành giải pháp vừa túi tiền, ít xâm lấn hơn khi điều trị bệnh khiếm thính. Goldsmith bổ sung thêm, “Bác sĩ House là Cha đẻ của ngành Thần kinh học về tai, và những lý thuyết của ông hiếm khi sai lầm.”

Nguồn ảnh: Advance Bionics

Tiếp nối những ý tưởng của bác sĩ House, Goldsmith cho rằng chúng ta có thể đạt được kết quả điều trị tương tự của dây điện cực dài, đa kênh bằng một điện cực ốc tai nhỏ có dây điện cực ngắn, đơn kênh. Goldsmith dẫn chứng – chỉ cần điện cực ngắn, đơn kênh là bộ não đã có khả năng phân tích âm thanh đủ rõ ràng để hiểu lời nói và trải nghiệm những âm thanh vô cùng phức tạp. Đưa lý thuyết của ông và bác sĩ House vào thực tế, Goldsmith đã thiết kế một điện cực ốc tai đơn kênh giá cả hợp lý – mà sau khi thử nghiệm trên người và phát triển thêm – sẽ được bán lẻ với giá khoảng 1.800$, tiết kiệm được một khoản đáng kể so với chi phí cấy điện cực ốc tai truyền thống.

Thiết bị này nhỏ đến nỗi phẫu thuật lắp đặt nó xâm lấn ít hơn và đơn giản hơn rất nhiều so với phẫu thuật cấy điện cực ốc tai truyền thống. Khác điện cực ốc tai truyền thống, lắp đặt một thiết bị sẽ không trở thành mối nguy với khả năng nghe còn sót lại của bệnh nhân. Chú ý tới kích thước rất nhỏ của điện cực đơn kênh mà Goldsmith sáng chế so với một thiết bị đa kênh:

Nguồn ảnh: AllHear Foundation

Theo Goldsmith: “Hệ thống điện cực ốc tai của chúng tôi nhỏ và rẻ hơn rất nhiều, có thể đưa vào tai bằng phương pháp phẫu thuật đơn giản hơn là phẫu thuật qua ống sống, xuyên qua ống tai và màng nhĩ. Phương pháp ‘xuyên nhĩ’ này an toàn hơn các phẫu thuật cấy điện cực ốc tai truyền thống vì chúng không yêu cầu phải khoan xuyên qua xương chũm hoặc sọ. Chúng tôi cũng đã giải thích rằng phương pháp này chỉ có thể thực hiện khi bệnh nhân được gây tê cục bộ.”

Goldsmith nói thêm: “Tôi đã làm việc với bác sĩ House để hoàn thiện hệ thống điện cực ngắn của ông trong nhiều năm, và quỹ AllHear Foundation của tôi được đặt theo tên chiếc điện cực ốc tai này. Thiết kế xuyên nhĩ của tôi chỉ là một nhánh nhỏ xuất phát từ những lý thuyết nền tảng của bác sĩ House.” 

Ở thời điểm hiện tại, đội ngũ của Goldsmith đã xây dựng một bộ xử lý âm thanh mới cho các bệnh nhân cấy điện cực ốc tai đơn kênh. Các nhà nghiên cứu hiện đang bổ sung bộ xử lý âm thanh này cho những bệnh nhân đã lắp thiết bị đơn kênh của bác sĩ House. Nếu họ có thể cải thiện thính lực của những bệnh nhân này, họ sẽ sửa đổi bộ xử lý âm thanh mới sao cho phù hợp với thiết kế xuyên nhĩ của bác sĩ Goldsmith.

Điện cực ốc tai đơn kênh của Goldsmith vẫn cần nhiều vòng thử nghiệm và kiểm định tổng quát, công nghệ này cũng cần được cộng đồng y học nói chung chấp nhận và tán thành. Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, thạc sĩ Brandy Klann, một nhà thính học chuyên về điện cực ốc tai ở Viện Nghiên cứu Tai Michigan cho biết: “Những ý tưởng của bác sĩ Goldsmith rất thú vị. Tôi khá mong chờ dữ liệu sau khi thử nghiệm lâm sàng điện cực ốc tai đơn kênh của ông.”

Thật ấm lòng khi thấy có những người tiên phong trong lĩnh vực y tế đang nỗ lực hết mình để mang điện cực ốc tai tới gần hơn với tất cả mọi người – đặc biệt là khi những cố gắng này thường bị cản trở bởi sự thiếu thốn nguồn vốn và hỗ trợ từ chính phủ và ngành công nghiệp nói chung.

Lời kết

Để mà nghĩ rằng hành trình vượt qua bệnh điếc và khiếm thính bắt đầu với những nhà khoa học như Allessandro Volta, Giuseppe Veratti và Benjamin Wilson nhét điện cực vào tai mình hơn 200 năm về trước – tới vị trí chúng ta đang đứng ngày hôm nay – thật là một hành trình truyền cảm hứng.

Nhìn lại những gì chúng ta đã đạt được, những rào cản trong việc tiếp cận tới điện cực ốc tai ở những nước đang phát triển không phải là không thể vượt qua. Chúng ta đang có trong tay tất cả công nghệ và công cụ tổ chức để khiến công nghệ kì diệu này có thể tới tay tất cả mọi người – bất kể tình trạng kinh tế của họ là gì. Tất cả những gì chúng ta cần là sự quyết tâm không ngừng nghỉ của những tổ chức như Global Foundation for Children with Hearing Loss, Hear the World FoundationAllHear Foundation, và những bác sĩ luôn mong muốn đổi mới như bác sĩ Chip Goldsmith – người có tư tưởng phá bỏ khuôn mẫu, lối mòn. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, những nỗ lực của họ sẽ mang đến sự hỗ trợ to lớn tới nhiều trẻ em và người trưởng thành khiếm thính hơn nữa, để đến một lúc nào đó, sẽ không còn ai bị bỏ lại phía sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *