CẬP NHẬT MẤT THÍNH GIÁC MỘT BÊN
Smith, Joanna, MS; Wolfe, Jace, PhD
The Hearing Journal: February 2018 – Volume 71 – Issue 2 – p 18,19,20
doi: 10.1097/01.HJ.0000530648.17182.22
Tot 10
Trong suốt những năm 1970 và đầu những năm 1980, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thính giác thường đánh giá thấp những tác động tiềm tàng của việc mất thính giác một bên (unilateral hearing loss = UHL; Northern & Downs. Wilkins, 1978 http://bit.ly/2DTRZVL). Thói quen phổ biến cho rằng một tai nghe bình thường là quá đủ để hỗ trợ sự phát triển điển hình của khả năng nói, ngôn ngữ, xã hội và học hành. Những suy nghĩ sai lầm này đã bị đảo lộn vào năm 1986 khi nghiên cứu của Tiến sĩ Fred Bess, Tiến sĩ Anne Marie Tharpe, và các đồng nghiệp cho thấy trẻ em mất thính giác một tai có gấp 10 lần khả năng bị ở lại một lớp ở trường so với các bạn cùng lứa có thính giác bình thường. Gần 20 năm sau (năm 2005), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã tổ chức một hội thảo thừa nhận những khó khăn mà trẻ em bị mất thính giác một tai gặp phải. Nó cũng nhận ra một thực tế rằng đã không có sự đồng thuận chuyên môn về cách lý tưởng để xác định những đứa trẻ có thể có nguy cơ bị chậm phát triển vì mất thính giác một tai (UHL). Ngoài ra, các chuyên gia tại hội thảo lưu ý các bằng chứng hạn chế hỗ trợ có thể của bất kỳ loại can thiệp nào có thể làm giảm bớt những thiếu hụt liên quan đến mất thính giác một tai. Kể từ khi đó, cộng đồng chăm sóc sức khỏe thính giác đã không tái lập để nâng cao tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em bị mất thính giác một tai cho đến gần đây. Vào tháng 10 năm 2017, Tharpe đã chủ trì Hội nghị về mất thính giác một tai ở trẻ em -2017 http://bit.ly/2DS33Tc, trong đó có nghiên cứu hiện nay được trình bày bởi nhiều chuyên gia hàng đầu về mất thính giác một tai (UHL). Dưới đây là một số điểm nổi bật của hội nghị.
10. HỌC TỪ LIEU
Bác sĩ Judith Liêu, đã thực hiện một số nghiên cứu kiểm tra tác hại của mất thính lực một tai (UHL) đối với sự phát triển giao tiếp, học hành và xã hội của trẻ em. Tại hội nghị, Bác sĩ Liêu báo cáo rằng hậu quả của mất thính lực một tai là khó định vị và nhận biết tiếng nói trong môi trường ồn. Trẻ em bị mất thính giác một tai (UHL) có xu hướng chậm phát triển ngôn ngữ, ngay thời thơ ấu và tồn tại qua tuổi thanh thiếu niên. Bác sĩ đã mô tả các kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em bị mất thính giác một tai (UHL) sử dụng ngôn ngữ kém hơn so với anh chị em của chúng có thính giác bình thường. Bác sĩ cũng chia sẻ rằng nghiên cứu của mình đã xác nhận những phát hiện của Bess và Tharpe rằng trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) có khả năng ở lại một lớp ở trường gấp 10 lần so với các bạn cùng lứa nghe bình thường, và cũng có nhiều khả năng cần thêm các nguồn học (ví dụ Kế hoạch giáo dục cá nhân). Hơn nữa, cô lưu ý rằng trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) có nhiều khả năng có vấn đề về hành vi hơn so với trẻ có thính giác bình thường. Các yếu tố như nghèo đói trong gia đình, giáo dục của cha mẹ, IQ không lời và mức độ khiếm thính ảnh hưởng đến kết quả của trẻ em bị mất thính giác một bên.
Cuối cùng, Bác sĩ đã xem nghiên cứu gần đây khám phá hình ảnh não để kiểm tra sự khác biệt giữa đáp ứng sinh lý của trẻ bị mất thính giác một bên.(UHL) và trẻ có thính giác bình thường. Các nghiên cứu hình ảnh đã chỉ ra rằng một số trẻ em bị mất thính giác một bên.(UHL) có những thay đổi chức năng trong các mạng lưới thần kinh phức tạp chi phối các việc làm hàng ngày như nghe, đọc, v.v. Ví dụ, một số trẻ mất thính giác một bên.(UHL) đã có sự sắp xếp lại các khu vực nhất định của não để yếu thính giác có thể được hỗ trợ bởi các khu vực và mạng lưới thần kinh khác liên quan đến các quá trình như nhìn, ngôn ngữ, vận động, v.v.
9. MẤT THÍNH GIÁC MỘT BÊN (UHL) TRONG THẾ GIỚI THỰC
Tiến sĩ Dawna Lewis, đã phát triển một phòng thí nghiệm ấn tượng cho phép mô phỏng môi trường mà trẻ em thường gặp trong thế giới thực (ví dụ: lớp học). Gần đây, Tiến sĩ đã nghiên cứu tác động của mất thính giác một bên (UHL) đối với các kỹ thuật giao tiếp và nhận biết lời nói của trẻ em trong các môi trường nghe khó.
Lewis báo cáo rằng trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) phải cố gắng để hiểu lời nói trong một môi trường có nhiều người nói và khi người nói mà chúng quan tâm thay đổi trong suốt tình huống. Lewis cũng lưu ý rằng sự sẵn có của thông tin hình ảnh (tức là, nhìn chuyển động miệng của người nói ) giúp nhiều trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) cải thiện khả năng định vị người nói. Tuy nhiên, tiến sĩ cũng báo cáo rằng nhiều trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) thường mất nhiều thời gian hơn so với các bạn cùng lứa với thính giác bình thường để xác định vị trí của một người nói trong một nhóm nhỏ. Tiến sĩ thừa nhận rằng nỗ lực cần thiết để xác định vị trí của người nói mà trẻ quan tâm có thể đòi hỏi các nguồn nhận thức , các nguồn này có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng hiểu lời nói.
8. MẤT THÍNH GIÁC MỘT TAI CÓ THỂ LÀ MỘT CẢN TRỞ THỰC SỰ
Tiến sĩ Benjamin Hornsby đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu kiểm tra sự mệt mỏi ở những người bị mất thính giác. Mệt mỏi không chỉ đơn giản là do nỗ lực cao. Thay vào đó, nó là “một trạng thái tinh thần” phức tạp, bị ảnh hưởng bởi các nguồn cần thiết để duy trì hiệu suất có thể chấp nhận được. Hornsby lưu ý rằng sự mệt mỏi xảy ra nhiều hơn nếu hiệu suất kém dẫn đến những hậu quả tiêu cực và nếu người nghe cảm thấy rằng nỗ lực của mình đối với một mục tiêu không xứng đáng với phần thưởng. Những người bị mất thính giác hai bên đã cho thấy các mức độ mệt mỏi cao hơn so với những người có thính giác bình thường. Hornsby lưu ý rằng nghiên cứu về đo mức độ mệt mỏi ở trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) còn hạn chế, nhưng nghiên cứu sơ bộ cho thấy mệt mỏi có nhiều khả năng là vấn đề đối với trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL), đặc biệt là nếu chúng có khả năng ngôn ngữ kém và có các khó khăn về thính giác.
7. CHÚNG TA CÓ THỂ DỰ ĐOÁN KẾT QUẢ CỦA TRẺ EM BỊ MẤT THÍNH GIÁC MỘT BÊN (UHL) KHÔNG?
Tiến sĩ Christine Yoshinaga-Itano, đã thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của 132 trẻ bị mất thính giác một bên (UHL) và báo cáo kết quả ngôn ngữ đo khi 3 tuổi không bị ảnh hưởng bởi giới tính, tai nào bị mất thính giác (phải hoặc trái), mức độ khiếm thính, ngôn ngữ sử dụng ở nhà, tình trạng thính giác của cha mẹ, sử dụng máy nghe hoặc trạng thái Trợ cấp y tế. Ngược lại, trình độ học vấn của người mẹ có mối tương quan tích cực với kết quả ngôn ngữ của trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL). Yoshinaga-Itano lưu ý rằng sự chậm trễ ngôn ngữ thường không quan sát thấy trong suốt một năm rưỡi đầu đời của trẻ em nhưng đã xuất hiện ở nhiều trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) từ 2 đến 3 tuổi. Theo đó, bà khuyến nghị tất cả trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) nên được đánh giá sự chậm trễ ở 24 tháng tuổi và can thiệp khi cần thiết. Tiến sĩ đã lưu ý khoảng một nửa số trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) trong nghiên cứu của mình bị chậm trễ về vốn từ vựng và hiểu ngôn ngữ trừu tượng ở 24 tháng tuổi ngay cả khi tham gia vào chương trình can thiệp sớm của tiểu bang.
6. KIỂM TRA VỚI CHEO
Tiến sĩ Elizabeth FitzPatrick, Bệnh viện Nhi Đông Ontario (Children’s Hospital of Eastern Ontario = CHEO), đã chia sẻ đánh giá về dịch vụ thính học tại CHEO cho 108 trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) từ năm 2003 đến 2015. Đáng chú ý, tiến sĩ báo cáo rằng độ tuổi xác định bị mất thính giác một bên trung bình của trẻ em là 5,4 tuổi trước khi sàng lọc thính giác sơ sinh và khoảng 4 tháng tuổi sau khi sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh. Việc xác định sớm mất thính giác một bên (UHL) mang đến cho các bác sĩ lâm sàng cơ hội can thiệp sớm và có thể ngăn chặn tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc xác định sớm trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) cũng buộc các bác sĩ lâm sàng đưa ra các quyết định can thiệp cho những đứa trẻ này trong khi có rất ít bằng chứng về hiệu quả của các lựa chọn can thiệp có sẵn. Từ đó, Fitzpatrick lưu ý có sự chậm trễ kéo dài tồn tại giữa việc xác định mất thính giác một bên (UHL) (hầu hết trước 1 tuổi) và độ tuổi mang máy trợ thính (trung bình = 42,9 tháng). Fitzpatrick cũng báo cáo về một nghiên cứu khám phá các kết quả của 38 trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL). Ít hơn 40 phần trăm những đứa trẻ này luôn sử dụng máy nghe ngay lập tức sau khi mất thính giác được xác định, trong khi đến 4 tuổi, chỉ có 46 phần trăm sử dụng máy nghe thường xuyên.
Hơn nữa, tiến sĩ báo cáo trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) có nhiều khả năng bị các thiếu hụt phát triển ngôn ngữ và các khó khăn trong việc nhận biết tiếng nói trong tiếng ồn hơn các bạn cùng lứa nghe bình thường . Thật không may, việc sử dụng máy nghe không ảnh hưởng đến các kết quả thính giác và ngôn ngữ, mặc dù một số gia đình nói theo họ việc sử dụng máy nghe là có lợi trong các tình huống thực . Fitzpatrick nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều nghiên cứu dài hạn hơn để khám phá các kết quả của trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) và các yếu tố ảnh hưởng đến các kết quả này.
5. VẬY CHÚNG TA LÀM GÌ BÂY GIỜ ?
Tiến sĩ Thính học Marlene Bagatto, đã tóm tắt những phức tạp liên quan đến việc xác định liệu có nên khuyến nghị máy nghe cho trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) hay không. Tiến sĩ đã đề cập đến một phụ lục về máy nghe cho trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) gần đây đã được đưa vào các điều khoản Qui trình máy nghe của chương trình nghe cho Trẻ sơ sinh Ontario (Phiên bản 2014.01 http://bit.ly/2EtMZr1). Các chuyên gia sức khỏe thính giác nhi nên kiểm tra nguồn quý giá này, nó cung cấp tư vấn tốt về việc đưa ra các quyết định can thiệp cho trẻ nhỏ bị mất thính giác một bên (UHL).
4. CÁC DAO ĐỘNG TỐT
Tiến sĩ Hillary Snapp đã xem xét những lợi thế và hạn chế tiềm năng của các thiết bị dẫn truyền xương cho những người bị mất thính giác một bên (UHL). Tiến sĩ nhận xét về thực tế cấu tạo của đầu (head shadow ) có thể ngăn chặn nghe đầy đủ vào các thành phần tần số cao của lời nói khi âm thanh phát ra từ bên tai nghe kém hơn. Tiến sĩ lưu ý việc sử dụng thiết bị dẫn truyền xương ở tai nghe kém hơn có thể cải thiện khả năng nhận biết lời nói của giọng nói nhỏ đến từ bên tai nghe kém và cũng có thể cải thiện khả năng nhận biết lời nói trong tiếng ồn khi tiếng nói nói phát ra từ bên tai nghe kém . Bà cũng đề cập đến sự phát triển gần đây của các phép đo xác minh tai thực của các thiết bị dẫn truyền xương, một công cụ nên luôn có trong hộp công cụ của chuyên gia thính học nhi (Hodgetts & Scollie, 2017). Cuối cùng, Snapp đã thảo luận về sự cần thiết cung cấp cho bệnh nhân và gia đình họ thông tin kỹ lưỡng về những ưu điểm và hạn chế của các lựa chọn công nghệ thính giác khác nhau có sẵn của các chuyên gia thính học nhi .
3. THẾ CÒN ỐC TAI ĐIỆN TỬ ?
Tiến sĩ Doug Sladen, đã bàn luận về những ưu và nhược điểm của việc cấy ốc tai điện tử cho trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL). Cấy ốc tai là công nghệ duy nhất có thể khôi phục một phần chức năng thính giác trong tai nghe kém của trẻ bị mất thính giác một bên (UHL) mức độ sâu. Sladen đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu đang thực hiện của mình, trên 33 người lớn và chín trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) đã được cấy ốc tai điện tử (cochlear implant = CI). Ông cho biết tám trong số chín trẻ sử dụng ốc tai điện tử toàn thời gian. Đối với cả trẻ em và người lớn, ốc tai điện tử đã cải thiện nhận biết từ (word recognition) ở tai cấy và nhìn chung cải thiện khả năng nhận biết lời nói (speech recognition) trong tiếng ồn so với điều kiện chỉ nghe bằng 1 tai tốt. Sladen cũng lưu ý rằng cấy ốc tai điện tử có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của những người bị mất thính giác một bên (UHL). Đáng lưu ý, lợi ích của ốc tai bđiện tử đối với trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) bẩm sinh có thể sẽ tốt hơn nếu việc cấy ghép được thực hiện trong năm đầu tiên hoặc hai của cuộc đời. Đối với trẻ em khởi phát mất thính giác một bên sau (UHL) mức độ nặng đến sâu, ốc tai điện tử cần được xem xét kịp thời để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của thiếu hụt thính giác. Nhưng vì nhiều trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) sâu bẩm sinh không có dây thần kinh ốc tai (cochlear nerve ), nên phải chụp MRI để đánh giá tình trạng của dây thần kinh ốc tai trước khi cấy ốc tai (Otolaryngol Head Head Phẫu thuật. 2013; 149 [2]: 318 http://bit.ly/2EudTiE).
2. MÁY NGHE CROS SẼ GIÚP BẠN “ NHẢY VỌT” !
Tiến sĩ Erin Picou, đã thảo luận về nghiên cứu của mình về các lợi ích của các thiết bị chuyển tín hiệu sang bên đối diện (Contralateral Routing of Signal = CROS) đối với trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL). Trước nghiên cứu của tiến sĩ, hầu hết các nghiên cứu đánh giá các thiết bị CROS cho trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) đã được tiến hành gần 30 năm trước. Picou nhận xét về cuộc cách mạng của lớp học trong những năm qua. Cụ thể, trẻ em có thể không phải lúc nào cũng ngồi thành hàng trong khi nghe giáo viên giảng. Thay vào đó, chỗ ngồi trong các lớp học ngày nay có thể được sắp xếp theo nhiều cấu hình khác nhau và học sinh thường làm việc theo cụm nhỏ thay vì nghe giáo viên suốt cả ngày. Nghiên cứu của Picou đã kiểm tra nhận biết lời nói (speech recognition) và hiểu câu chuyện của trẻ em trong độ tuổi đến trường trong một lớp học mô phỏng trong đó các tín hiệu quan tâm đến từ nhiều vị trí. Tiến sĩ báo cáo rằng cả hệ thống micro từ xa và các thiết bị CROS đều cải thiện hiệu suất của trẻ em trong một số tình huống.
Đặc biệt, việc sử dụng máy nghe CROS đã cải thiện hiệu suất khi tín hiệu đến tai nghe kém hơn của trẻ. Trên tất cả các điều kiện và nhiệm vụ nghe, việc sử dụng thiết bị CROS cho phép cải thiện hiệu suất ít nhưng phù hợp. Tiến sĩ đề nghị sử dụng các hệ thống micro từ xa trong các tình huống liên quan đến một người nói chính và cho trẻ nhỏ, những trẻ có thể ít có khả năng định hướng người nói. Tiến sĩ cũng đề nghị sử dụng các thiết bị CROS trong các lớp học, trong đó đầu vào học sinh là quan trọng và cho những học sinh lớn tuổi từ chối sử dụng hệ thống micro từ xa.
1. HỖ TRỢ TOÀN BỘ TRẺ
Cheryl Deconde Johnson, EdD, đã đưa ra những lời nhắc nhở sâu sắc về các khía cạnh tình cảm xã hội của mất thính giác một bên (UHL). Cô đã chia sẻ một nghiên cứu trường hợp chi tiết chứng minh rằng trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) có nguy cơ có những khó khăn trong tương tác với bạn cùng trang lứa và có thể có xu hướng gặp các vấn đề về hành vi ở trường. Cô cũng lưu ý một số trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) có thể đấu tranh với lòng tự trọng thấp. Có một số công cụ và nguồn cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thính giác nhi khoa có thể truy cập được để giúp hỗ trợ nhu cầu nghe của trẻ, nhu cầu học tập và sức khỏe tổng thể. Một ví dụ là tuyên bố từ Hiệp hội Giáo dục Thính họchttp://bit.ly/2EspnmA về các chiến lược can thiệp hữu ích cho trẻ mất thính giác một bên (UHL).
Mặc dù không có phương pháp hoàn hảo nào hiện có để dự đoán trẻ em bị mất thính giác một bên (UHL) nào sẽ gặp khó khăn về ngôn ngữ, học hành và phát triển xã hội, Hội thảo về mất thính giác một tai ở trẻ em 2017 http://bit.ly/2DS33Tc đã cung cấp các cập nhật rất cần thiết về đánh giá và quản lý của những bệnh nhân này.
Người dịch : Thầy thuốc ưu tú
BS.CKII Nguyễn Thị Bích Thủy