Tạo cơ chế cho Doanh Nghiệp Hỗ Trợ Người khuyết tật

Tạo cơ chế cho doanh nghiệp hỗ trợ người khuyết tật

06/07/2020

(Chinhphu.vn) – Mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hiệu quả nhất hiện nay là các mô hình vừa mang tính sản xuất kinh doanh vừa mục đích từ thiện để giải quyết việc làm cho người yếu thế, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng việc phát triển các doanh nghiệp như này hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Có việc làm ổn định là cách giảm nghèo bền vững nhất cho người khuyết tật

Chị Chử Thị Thanh Hướng giới thiệu những sản phẩm in tranh của trẻ khiếm thính. Ảnh NVCC

Chung tay hỗ trợ người khuyết tật

Chị Chử Thị Thanh Hương, người sáng lập ra Hội Cha Mẹ trẻ khiếm thính Việt Nam, cũng là người thành lập Doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam (HLC Vietnam Co. Ltd) vào tháng 3/2018. Doanh nghiệp có mục đích tổ chức các hoạt động hướng nghiệp dạy nghề; kết nối giới thiệu, tuyển dụng tìm kiếm việc làm; hỗ trợ và giới thiệu các sản phẩm của người khiếm thính trên toàn Việt Nam…, với cam kết đóng góp 51% doanh thu (theo luật định) vào Quỹ Ước mơ xanh vì trẻ khiếm thính Việt Nam.

Các hoạt động của HLC Vietnam Co. Ltd. nhằm tạo ra ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ khiếm thính, phụ huynh trẻ khiếm thính, người khiếm thính; tạo cơ hội giúp người khiếm thính có thể rút ngắn khoảng cách khác biệt, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng xã hội trở thành một người độc lập và hỗ trợ bảo đảm “Quyền sinh tồn” của đối tượng yếu thế này trong xã hội.

Là một người mẹ có con khiếm thính nên chị Hương rất hiểu nhu cầu của các bạn khiếm thính là gì, khả năng của các bạn như thế nào để hỗ trợ. Chị Hương cho biết, với những đối tượng yếu thế, việc đào tạo phải thực tế để sau đó họ có thể tìm công việc phù hợp. Doanh nghiệp xã hội của chị Hương có điểm mạnh là hỗ trợ người khiếm thính cả những kỹ năng mềm, bởi do đặc thù của đối tượng này kỹ năng thích ứng của họ còn hạn chế. Những chủ doanh nghiệp thuê người khiếm thính cũng cần hiểu tâm lý đó. Doanh nghiệp của chị Hương sẵn sàng tổ chức những buổi thảo luận, tham vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như là một kênh kết nối cho những doanh nghiệp muốn tuyển người lao động là người khiếm thính.

Hiện HLC Vietnam Co. Ltd có 2 dự án dạy làm hoa với hàng chục người khiếm thính đang dùng ngôn ngữ kí hiệu theo học. Những bạn khiếm thính còn nhỏ, có thể nghe nói cũng được hướng nghiệp tùy theo khả năng. Những năm gần đây, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm in ấn tranh vẽ của người khiếm thính, làm bao lì xì và hiện đang đang tham khảo thị trường, giới thiệu sản phẩm của các bạn khiếm thính ở các vùng miền của Việt Nam.

Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) thành lập từ năm 2007 do cô Đoàn Thị Hoa là quản lý. Ngày đầu mới thành lập, cơ sở chỉ có vài chục m2 nhà ở và trên một 100 m2 vuông nhà xưởng, song đã có hơn 20 em là những người khuyết tật xin được đến học và làm việc. Với các dạng khuyết tật khác nhau, nên việc học và hành của các em rất khó khăn, nhưng với sự tận tâm của các giáo viên thiện nguyện nơi đây, các em được học từ các kỹ năng sinh hoạt, tự chăm sóc bản thân đến việc học chữ, học nghề, tự vươn lên nuôi sống bản thân và đóng góp xã hội. Trải qua trên 10 năm hoạt động với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ Trung tâm đã đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động là người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn có việc làm và tự nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, cơ sở vật chất của Trung tâm đủ năng lực để đào tạo cho 35 đến 40 học sinh nội trú và từ 20 đến 25 học sinh ngoại trú. Sau khi được học nghề và làm việc thành thạo, các em có thể tự mở xưởng sản xuất, hoặc ở lại sản xuất tại Trung tâm, thu nhập bình quân của các em từ 500 nghìn đến trên 3 triệu đồng/tháng và tăng dần sau từng năm. Mặc dù, thu nhập chưa cao so với mặt bằng chung của xã hội, nhưng đã thực sự đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc, sự tự tin và có ý nghĩa đối với các em khuyết tật vì các em đã tự lo được cho cuộc sống của mình, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Chưa nhận được nhiều hỗ trợ

Là một doanh nghiệp xã hội đúng nghĩa, tuy nhiên, chị Hương cho biết, doanh nghiệp của chị không được bất cứ hỗ trợ gì từ trước đến nay. Việc thuê giáo viên, địa điểm, đều là do chị bỏ tiền cá nhân để thực hiện. Chị Hương cho biết, chị rất cần một kênh rõ ràng có thể truyền thông đến các doanh nghiệp như chị để khi cần hỗ trợ thì có thể đi đến đâu, gặp ai, cần những thủ tục như nào, có phức tạp không.

Chị Hương dẫn chứng, khi đăng ký doanh nghiệp xã hội, chị Hương rất mong được hướng dẫn là doanh nghiệp xã hội thì sẽ có kênh hỗ trợ như nào, những chính sách ra sao nhưng lại không có thông tin.

Bên cạnh đó, việc đón nhận sản phẩm của người khuyết tật thị trường vẫn chưa được nhiều, đa phần là vì lòng thương hại nhiều hơn là giá trị sản phẩm. Chị Hương cho biết, quan điểm của chị khi làm doanh nghiệp xã hội là mong muốn sản phẩm ra đời phải mang lại giá trị thực tế, như vậy mới mang tính bền vững. Điều này cần nhiều thời gian, công sức nghiên cứu. Khi chưa mang lại lợi nhuận, chính những người học nghề họ cũng thấy không có động lực. Theo chị Hương, nếu các doanh nghiệp xã hội như chị có được kênh hỗ trợ từ nhà nước, dù chỉ một phần nào thì sẽ đỡ khó khăn hơn rất nhiều…

“Những doanh nghiệp xã hội cần phải được hỗ trợ nhất vì họ thực sự hiểu các đối tượng yếu thế. Nếu có sự hỗ trợ, thúc đẩy của nhà nước nữa, tôi nghĩ là việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế ngày càng phát triển vì nếu chỉ kinh doanh vì lợi nhuận thì họ sẽ không lựa chọn làm doanh nghiệp xã hội”, chị Hương nói.

Với Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, cô Đoàn Thị Hoa cho biết, hơn 10 năm quản lý trung tâm, mọi chi phí sinh hoạt cho người khuyết tật ở đây đều do cô xoay sở, thiếu tiền thì vay bên ngoài, có khi phải bán cả đất. Cô Hoa cho biết, cô cũng từng làm đơn xin hỗ trợ nhưng thấy thủ tục phức tạp nên lại thôi. Hiện nay, Trung tâm của cô cũng đang đóng thuế như các doanh nghiệp bình thường khác. Sau dịch COVID-19, sản phẩm của các em khuyết tật vốn đã khó tìm đầu ra nay lại càng khó khăn hơn và điều này cũng khiến cô Hoa lo lắng.

Cô Hoa và các giáo viên tại Trung tâm mong muốn tìm thêm được ngành nghề phù hợp cho các em khuyết tật và ký được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định để tăng thu nhập cho các em và hơn nữa rất cần nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp hỗ trợ kinh phí để tăng năng lực đào tạo và mở rộng sản xuất.

Tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xã hội

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xã hội hiện nay còn rất ít, chúng ta có chính sách uu đãi với họ nhưng thu hút không nhiều.

Khảo sát Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp xã hội trả lời là không nhận được hỗ trợ từ nhà nước.

“Có những cơ sở, bản thân người sáng lập có tiềm lực, đứng ra tổ chức, lo cho người khuyết tật, hướng dẫn họ làm ra sản phẩm để trang trải phí sinh hoạt cũng như trả tiền công cho họ. Một số cơ sở cho người khuyết tật đến sinh hoạt trong nhà, gần như cùng làm cùng hưởng. Hiện nay Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cũng đang hỗ trợ bằng cách vận động, giới thiệu sản phẩm cho những cơ sở như vậy”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho rằng , các cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá lại để sửa đổi chính sách thu hút thành lập các doanh nghiệp xã hội cũng như xây dựng cơ chế hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp này phát triển.

Nhật Thy-Giang Oa

http://thanglong.chinhphu.vn/tao-co-che-cho-doanh-nghiep-ho-tro-nguoi-khuyet-tat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *