Các bạn thân mến
Như nhiều lần tôi đã đề cập, tôi thật sự rất biết ơn và khâm phục các bạn thành viên sáng lập Hội này, nhất là cô
Chử Thị Thanh Hương, chủ tịch Hội Cha Mẹ Trẻ Khiếm thính Việt Nam
.
Tôi nhớ lại khoảng gần 20 năm trước, khi phát hiện con mình bị điếc sâu, hai vợ chồng tôi đã hoảng loạn, chới với, vì không biết bám víu vào đâu. Thông tin về cấy ốc tai thì hoàn toàn mờ tịt. Các bác sĩ, chuyên gia về thính học ở TPHCM vào thời điểm ấy chỉ có 1-2 người, mà cũng đang ở trong giai đoạn khởi đầu, còn phải tham gia các khoá tập huấn, không có người có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu.
Vì vậy tôi rất mừng khi thấy Hội được thành lập, cung cấp được nhiều thông tin bổ ích cho phụ huynh trẻ khiếm thính, là nơi để các phụ huynh có thể giao lưu, động viên tinh thần, và trao đổi kinh nghiệm trong việc can thiệp và chữa trị cho con cháu mình.
Các bạn thân mến. Con cháu chúng ta bị khiếm thính, có thể nhẹ, có thể sâu. Nguyên nhân dẫn dến việc khiếm thính cũng vô chừng. Chúng ta đã đau buồn, vật vã, rồi kiên trì chiến đấu để cho con cháu chúng ta được đeo máy trợ thính hay cấy ốc tai. Chúng ta đã vui mừng khôn xiết khi nghe con cháu mình bập bẹ gọi “Mẹ”, gọi “Ba”. Và niềm vui của chúng ta sẽ được nhân lên mỗi ngày khi con cháu mình được đi học, được trò chuyện với thầy cô, bạn bè như các trẻ nghe được bình thường khác.
Tuy nhiên, khi mà phần nghe, phần nói, và ngôn ngữ của trẻ đã đi vào ổn định, tôi muốn các bạn lưu ý đến một vấn đề khác là: TÂM LÝ CỦA TRẺ KHIẾM THÍNH.
Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy là những đứa trẻ khiếm thính, nhất là trẻ điếc sâu, thường dễ bị những vấn đề về tâm lý hơn trẻ bình thường. Trẻ bị điếc lúc mới sinh đa phần thường kèm thêm một số vấn đề khác, trong đó có vấn đề về thần kinh. Tôi đính kèm dưới đây một bài báo bằng tiếng Việt để các bạn tham khảo. Có rất nhiều bài viết bằng tiếng Anh về vấn đề này mà nếu muốn, các bạn có thể dễ dàng google mà xem.
Bây giờ tôi xin tâm sự với các bạn về trường hợp con trai tôi. Cháu sanh đủ tháng. Khi mang bầu tháng thứ ba, bà xã tôi bị cúm, nhưng không phải Rubella. Hai bên nội ngoại không ai có tiền sử khiếm thính. Vậy mà cháu bị điếc sâu. Cháu được cấy ốc tai ở Hoa Kỳ lúc 14 tháng tuổi. Chương trình can thiệp sớm và trường khiếm thính nơi cháu học, cộng thêm nỗ lực của bản thân và gia đình, đã giúp đỡ cháu một cách tuyệt vời. Cháu vào chương trình học hoà nhập (mainstreamed) lúc 5 tuổi và hoàn thành chương trình cấp I trường công một cách xuất sắc. Cháu đứng thứ 2 của trường dựa trên điểm kiểm tra cuối khoá. Ngoài ra cháu còn được tuyển vào lớp chuyên ngay từ năm lớp 1.
Đến cấp II cháu vẫn tiếp tục học lớp chuyên. Nhưng từ năm lớp 7, cháu bắt đầu có những biểu hiện bất thường về tâm lý, chẳng hạn dễ bực tức, chửi thề, có khuynh hướng bạo lực. Ngoài ra cháu chỉ quan tâm và thích thảo luận về một số vấn đề mà không cần biết người nghe có cùng sở thích như mình không. Cháu có những suy nghĩ rất khó thay đổi, chẳng hạn như không muốn mẹ bé trang điểm, hay không muốn bố mặc một số loại áo khoác nào đó. Thêm nữa là cháu không có bạn. Ở trường cháu cũng ít giao tiếp và không thích tham gia các đề án làm theo nhóm.
Lúc đầu hai vợ chồng tôi chỉ tưởng là do hóc môn thay đổi dẫn đến sự thay đổi về tâm lý. Nhưng khi dẫn cháu đi khám bác sĩ thì phát hiện cháu bị Asperger (một dạng rối loạn tự kỷ hoạt động cao), nổi loạn, ODD (oppositional defiant disorder không biết dịch ra tiếng Việt như thế nào), tính tình thay đổi (mood swing), nói chung là rất nhiều chứng bịnh về tâm lý.
Dần dần tình hình trở nên tệ đi. Cháu có thể giận dữ chỉ vì một điều rất là nhỏ nhặt, không đáng, ví dụ như khi tôi phát âm sai một từ gì đó bằng tiếng Anh. Khi cháu vào cơn giận dữ thì rất khó để kiềm chế, có thể dẫn đến bạo lực. Sau khi qua cơn, cháu mới giải bày là chúng tôi không nên la hay chỉ trích cháu. Nếu cháu làm gì sai, hãy để cho qua, rồi cháu sẽ tự nhận ra lỗi của mình. Nhưng trẻ con mà, do chúng tôi cũng hơi nuông chìu, nên dần dần những vấn đề về hành vi của cháu gia đình không uốn nắn được nữa. Cuối cùng chúng tôi phải quyết định gửi cháu vào trường nội trú, kiểu như trường Thiếu Sinh Quân ở Việt Nam mình. Họ áp dụng kỷ luật như của quân đội nên cháu có vẻ đã vào khuôn phép và thay đổi hành vi theo chiều hướng tốt.
Từ câu chuyện của con mình, tôi rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
- Hãy luôn nhẹ nhàng, tình cảm với con mình. Cố đừng la mắng, chỉ trích con. Thay vào đó là khen ngợi, động viên, khuyến khích.
- Nhẹ nhàng, tình cảm không có nghĩa là chìu con vô điều kiện. Đặt ra những quy định mà con phải tuân theo (làm việc này khi bé còn nhỏ tuổi thì sẽ tạo thành thói quen). Ban thưởng khi làm điều tốt. Xử phạt để uốn nắn những hành vi không tốt.
- Nếu các bạn phát hiện con mình có biểu hiện thay đổi tâm lý, nên tìm cách can thiệp từ sớm. Có thể dẫn con đi gặp bác sĩ, hay chuyên gia tâm lý.
- Dẫn con đi tham gia các khoá tu, khoá thiền. Hướng con trẻ vào các hoạt động từ thiện, giáo dục đạo đức.
Nói chung là nên luôn quan sát, theo dõi con, phát hiện và can thiệp kịp thời. Đừng để đến lúc quá muộn.
Bài viết hơi dài, mong các bạn thông cảm. Xin chúc
các thiên thần nhỏ bé của chúng ta sẽ luôn ngoan và phát triển như các trẻ bình thường khác.
P/S: Tôi thấy có một public group rất hay, thường hay trao đổi về phương pháp dạy con. Nếu các bạn quan tâm, có thể tham gia. Khi vào group, các bạn có thể đặt câu hỏi cho vấn đề của con mình và các thành viên sẽ chia sẻ kinh nghiệm xử lý. Tên group là “Dạy con trong hạnh phúc”.
https://www.facebook.com/groups/daycontronghanhphuc/?ref=share
Bài Viết Của anh Michael Lê – Một phu huynh có con khiếm thính – thành viên của Hội Cha Mẹ Trẻ Khiếm Thính Việt Nam