TẦM QUAN TRỌNG CỦA CAN THIỆP SỚM
Can thiệp sớm là một thuật ngữ mà trong y học và một số chuyên ngành khác dùng để mô tả sự phát hiện và chữa trị các vấn đề bất thường trong sự phát triển cơ bản ở trẻ em trong 3 năm đầu đời. Khi một đứa trẻ được chẩn đoán bị điếc hoặc có khó khăn về nghe, can thiệp sớm là cực kì quan trọng bởi bộ não con người được lập trình để phát triển khả năng ngôn ngữ trong Sáu (06) năm đầu tiên của cuộc đời, trong đó ba năm rưỡi (3,5) đầu tiên là quan trong nhất. Nếu không được can thiệp sớm thì khả năng tiếp nhận ngôn ngữ sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi trẻ lớn lên. Các vấn đề về khả năng nói và tiếp nhận ngôn ngữ ở trẻ càng được chẩn đoán và điều trị càng sớm bao nhiêu thì càng giảm nguy cơ vấn đề này kéo dài và có thể trở nên trầm trọng hơn cho trẻ. Can thiệp sớm về lời nói và ngôn ngữ sẽ giúp trẻ đạt được nhiều thành công hơn với việc đọc, viết, các hoạt động trong trường học và các mối quan hệ cá nhân. Thực tế, trẻ em nghe kém được chẩn đoán sớm và nhận được hỗ trợ phù hợp, đúng lúc có cơ hội rất tốt để phát triển kĩ năng sống quan trọng này song song với sự phát triển khả năng nghe của trẻ. Làm sao để đảm bảo cho con tôi được chẩn đoán/ xác định sớm nhất? Là kết quả của Chương trình Khám sàng lọc thính giác toàn cầu (EHDI) được triển khai năm 2000, hiện nay, phần lớn các bệnh viện đã tiến hành sàng lọc khiếm thính cho tất cả các trẻ sơ sinh trước khi trẻ được xuất viện. Các bài kiểm tra ban đầu này được tham khảo như là 1 sự sàng lọc bởi nó không bao gồm những bài kiểm tra sức nghe toàn diện, vì vậy không có tính chẩn đoán. Những bước kiểm tra chuyên sâu bao gồm các biện pháp đo sức nghe toàn diện là cần thiết để xác nhận chẩn đoán về mức khiếm thính. Nếu sàng lọc ban đầu cho kết quả không đạt với 1 hoặc cả 2 bên tai, thì cần phải đo khám lại lần 2 và có thể cần phải làm các kiểm tra chuyên sâu hơn để xác định trẻ có bị khiếm thính không, nếu có thì thuộc loại nào và nguyên nhân do đâu. Việc này phải được thực hiện bởi chuyên gia thanh – thính học (người có bằng cấp chuyên ngành và được phép thực hiện việc thăm khám sức nghe) có kinh nghiệm với bệnh nhi và có đủ khả năng tiến hành một quá trình đánh giá toàn diện sức nghe cho trẻ. Có một điều rất quan trọng là phụ huynh đừng chờ đến lúc được tư vấn mới cho trẻ đi khám chuyên sâu. Thời điểm bắt đầu để giúp một đứa trẻ đã được chẩn đoán cuối cùng bị điếc hoặc khiếm thính, là rất cấp bách. Việc hỗ trợ khả năng tiếp nhận âm thanh là cực kì quan trong việc giúp trẻ nghe và phát triển nền tảng cho sự nghe hiểu. Cung cấp cho con một phương tiện hỗ trợ sẽ giúp con bạn phát triển khả năng tiếp nhận âm thanh (cụ thể là thiết bị trợ thính phù hợp). Phương tiện này cùng với các hỗ trợ khác sẽ đem lại cho trẻ kết quả tốt trong sự phát triển khả năng nói, ngôn ngữ và khả năng đọc viết . Ngay khi con bạn được chẩn đoán là khiếm thính, bác sĩ nhi khoa sẽ chuyển trẻ tới một bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, người sẽ thăm khám để xác định nguyên nhân dẫn đến việc nghe kém ở trẻ. Để phục vụ cho cho điều trị, một kĩ thuật viên Tai Mũi Họng chuyên ngành nhi sẽ cung cấp thêm thông tin, các phương pháp tiếp cận ngôn ngữ cho trẻ. Vậy, việc sàng lọc bao gồm những gì? Sàng lọc sức nghe là một kĩ thuật không xâm lấn và không gây đau cho trẻ. ABR (Đo đáp ứng điện thính giác thân não): âm thanh sẽ được truyền đến trẻ thông qua một tai nghe trong khi trẻ đang ngủ hặc nghỉ ngơi yên tĩnh. Các phản ứng của thân não đối với âm thanh sẽ được thu nhận bởi các điện cực gắn trên đầu trẻ. Quá trình này được thực hiện bởi máy tính chuyên dụng. OAE (Đo âm ốc tai): một đầu dò nhỏ sẽ được đặt vào ống tai của trẻ, nó sẽ đo chức năng của tai trong và ốc tai. Quá trình này cũng có thể được thực hiện trong lúc trẻ ngủ. Đo bằng quan sát hành vi: bài kiểm tra này được sử dụng cho trẻ đủ lớn để quay đầu về phía âm thanh hoặc thông qua trò chơi. Bài kiểm tra này sẽ xác định âm thanh nhỏ nhất mà trẻ có thể nghe thấy và kiểm tra khả năng nghe hiểu của trẻ. Đo trở kháng: kỹ thuật này có thể thực hiện được với trẻ ở tất cả các độ tuổi giúp phát hiện các vấn đề ở vùng tai giữa (Ví dụ: ứ dịch tai giữa và tình trạng màng nhĩ) bằng các kĩ thuật nhanh, không xâm lấn và điện toán hóa. https://www.agbell.org/Families/Early-Intervention Dịch và hiểu chỉnh bởi đội TNV của She+ |